[tintuc]

Dấu hiệu báo bệnh và Thuốc cho lan từ A-Z….. (Bài 27)

14212659_728422527311235_7692380675372892173_n
I. PHÒNG BỆNH CHO HOA LAN
Có rất nhiều yếu tố gây bệnh cho lan, tôi sẽ giúp các bạn hiểu lý do vì sao phải hành động chứ không phải chỉ liệt kê ra một đống gạch đầu dòng. Bạn sẽ hiểu sâu hơn chứ không phải là biết nhiều hơn!
1. GIÀN LAN: Khi bạn đọc bài CÁCH LÀM GIÀN tôi viết, có khi sẽ cho rằng quá cầu kỳ, quá khó khăn phức tạp. Tuy nhiên bạn nên hiểu rằng nếu giàn bạn làm đúng kỹ thuật sẽ hạn chế rất nhiều bệnh và sâu bọ côn trùng.
– Giả sử bạn làm GIÀN QUÁ THẤP (DƯỚI 3M), sẽ rất nóng, bí, không khí kém lưu thông, khi đó lan của bạn rất dễ bị nấm khuẩn gục ngọn teo thân, đốm lá… Bên cạnh đó, có nhiều giống lan cần có tí gió mới phát triển tốt được, ví dụ Hải Yến, Hải Âu, Hỏa Hoàng….
Có cái nắng, có cái đó mà thiếu tí gió là rất khó….
Nếu diện tích trồng lan hẹp thì giàn càng phải cao (dĩ nhiên là không quá cao tới mức thang với không tới).14184500_728422540644567_7085078171601800181_n
– Treo lan cách lưới càng xa thì lan càng được mát mẻ, treo sát lưới thì khả năng lan bị hấp chín, vàng lá, héo rũ dù bạn có tưới vài lần 1 ngày cũng là bình thường. Thời gian qua, tôi thấy có 1 số bạn trồng lan trên sân thượng mà vị trí cây lan tới lưới có 60cm, buổi trưa, bạn sẽ thấy cảnh lan nhà bạn chịu nhiệt độ trên 40 độ C. Làm sao em nó chịu nổi. NÊN cho cây lan cách lưới ít nhất 1,2m và tốt nhất là 1,5m nếu bạn ở vùng nóng.
Nếu NHIỆT ĐỘ vào mùa nắng quá cao, bạn nên làm 2 lớp lưới, cách nhau 10-30cm để giữa 2 lớp 1 khoảng không để cách nhiệt, nhiệt độ trong giàn bạn đảm bảo giảm xuống mức rất dễ chịu. Thay vì làm 1 lớp lưới che 50-60% ánh nắng, bạn nên chọn 2 lớp mà mỗi lớp chỉ che 30% ánh nắng.
– ĐỘ ẨM trong vườn quá cao và không thông thoáng chính là MÔI TRƯỜNG LÝ TƯỞNG CỦA NẤM VÀ KHUẨN sinh sôi nảy nở. Mỗi loài sinh vật đều có môi trường tối ưu nhất để phát triển, các loại nấm khuẩn gây bệnh thán thư, đốm mắt cua, đốm nâu, thối đen thân, thối nhũn… cần phải có độ ẩm không khí cao mới phát triển mạnh.
Sau này nếu có điều kiện chuyển vườn, tôi nhất định sẽ làm giàn cao trên 5m với mái nilon, và lưới cao ít nhất 4m, bên cạnh đó sẽ có quạt gió lưu thông không khí để tạo độ thông thoáng trong giàn. Đảm bảo với bạn, Nấm và Khuẩn không bao giờ có môi trường tối ưu để phát triển.
– ĐỘ THOÁNG: mùa khô hay ít mưa thì bạn nên treo lan gần nhau, có khi giò này treo sát vào giò kia luôn. Tuy nhiên khi bắt đầu mùa mưa, bạn nên treo xa nhau ra (thường thì khoảng cách bằng 0,5 – 1 lần kích thước giò, ví dụ giò đường kính giò lan là 50cm, thì nên treo cách nhau ít nhất 25cm, tốt nhất là 50cm), vừa tránh va đập vỡ chậu khi gió to, thứ 2 đỡ lây bệnh cho nhau và tạo độ thoáng cho vườn.
– CHẤT LIỆU GIÀN như bài trước phân tích, tốt nhất nên làm bằng thép không rỉ hoặc tuýp nước, tuy mắc nhưng chắc chắn, bền. Đảm bảo sên không thể leo lên chậu lan của bạn được. Nếu làm bằng tre, tầm vông, gỗ thì sên, ốc… sẽ leo lên giò lan rất dễ dàng.
Bên cạnh đó, vi khuẩn và nấm nó sẽ lây từ chính chất liệu giàn sang giò lan nhà bạn. Đặc biệt là nấm mốc, vì vậy khi xịt thuốc phải xịt cả thanh treo và cả cột trụ.
Lưới Thái hoặc Đài Loan luôn là lựa chọn hàng đầu. Tốt nhất là KHÔNG BAO GIỜ XÀI LƯỚI ĐEN CỦA VIỆT NAM khi chơi lan. Các bạn thích gạch đá thế nào cũng được, nhưng tôi vẫn khuyên là không nên dùng loại cùi bắp 35-45k 1 kilogam đó. Nếu than nghèo không có tiền mua lưới xịn thì đừng chơi lan.
Đừng bao giờ mang TƯƠNG LAI BỀN VỮNG so với TÚI TIỀN của mình!
Mọi chi tiết về LÀM GIÀN đều có ở bài 4.
2. XỬ LÝ GIỐNG
Dù bạn trồng lan trong chai hay bóc rừng hoặc thay chậu thì BẮT BUỘC phải xử lý giống cho cẩn thận. Nếu không thì hậu quả sẽ rất đắt.
Cá nhân tôi khi mới chập chững vào nghề chưa biết gì, cũng chủ quan. Khi tôi mua hàng ký về chỉ cắt rễ, lá dập nát sơ sơ rồi ghép ngay, không xử lý ngâm thuốc gì cả. Tỷ lệ lan chết rất cao (trung bình 30%, thậm chí có lô chết 80% – Hải Yến, Bạch Hỏa Hoàng, Thanh Hạc…).
Bạn nên ngâm lan của bạn trong dung dịch Physan diệt nấm khuẩn 15-30 phút. Khi bạn mang ra để ráo nước rồi ghép thì tỷ lệ lan bị thối nhũn là cực thấp. Ngâm Ridomilgold cũng được, nhưng hiệu quả không cao bằng Physan mà mắc tiền hơn rất nhiều lần.14249950_728422690644552_7065479837518244682_o
3. PHÂN CHO LAN
Bón phân CÂN ĐỐI chính là cách phòng bệnh HIỆU QUẢ nhất. Làm cây lan to mập rất dễ, chỉ cần đạm nhiều thì giả hạc to bằng ngón tay cái hay to bằng ống nước phi 21 là chuyện trong tầm tay. Tuy nhiên tế bào biểu bì sẽ ít và thành tế bào rất mỏng manh, vi khuẩn và nấm xâm nhập 1 cách đơn giản dễ dàng.
Chính bởi vậy, nếu bạn trồng vài chục giò hay vài trăm giò không vì kinh doanh, thì chỉ nên dùng NPK các chỉ số đều hoặc gần bằng nhau là ổn hơn cả (Ví dụ 20-20-20).
Các bạn thích chạy đua theo kích thước cho nên lan nhà bạn rất giòn, đụng nhẹ cái là gãy đôi, gãy lìa luôn. Khi đi mua lan cũng vậy, bạn hãy quan sát giả hành, nếu thấy nó có vẻ xanh trong, khi dùng 2 ngón tay hơi bóp nhẹ thấy mềm thì tốt nhất không nên mua. Em này giống như mấy con gà công nghiệp được vỗ cho béo và dài nhanh thôi. Và cũng tèo nhanh thôi nếu về vườn nhà bạn mà gặp vài trận mưa dầm.
Giả hành phải cứng cáp, dẻo dai thì lan mới khỏe.
– Thiếu Đạm (N) thì lan còi cọc, ít và chậm ra lá, giả hành ngắn và nhỏ.
– Nếu thiếu Lân (P) cây dễ gãy đổ, đề kháng kém, rễ ít, chậm ra rễ, mầm ít.
– Thiếu Kali (K) lan chậm lớn vì kali giúp cây chuyển hóa năng lượng.
– Thiếu Canxi (Ca) cây dễ gãy vì không hấp thụ được lân, rễ và ngọn kém phát dài và phân nhánh, sức đề kháng và chịu đựng môi trường thay đổi thất thường rất kém. Đen và chùn đầu rễ.
– Thiếu Magie (Mg) lá vàng vọt, có những vết sọc vàng ở gân lá, và dù bạn bón NPK nhiều cũng vô ích vì rễ không hút được và cũng không vận chuyển lên lá, lên ngọn được.
– Thiếu Lưu Huỳnh (S) thì lan sẽ chậm lớn, cây cứng mà nhỏ, lá vàng lợt nhẹ và ít hoa.
– Thiếu Sắt (Fe) cây thiếu oxi, lá chuyển thành màu bạc rồi từ từ trắng luôn.
– Thiếu Mangan (Mn) cây quang hợp kém, khó hấp thụ được Lân, Canxi và Sắt. Nếu thiếu nghiêm trọng, lá lan sẽ có những đốm nhỏ bị hoại tử và lõm vào.
– Thiếu Kẽm (Zn) thì cây lan bị rối loạn trao đổi Auxin gây ức chế sinh trưởng và bạn sẽ có các thể loại lan NÙ, RỤT RỊT. Đốt lan sẽ ngắn lại, nhỏ, có khi méo mó. Lá non có khi trắng sáng hoặc vàng sáng.
– Thiếu Đồng (Cu) lá cong queo, không sáng mướt và lan ra rất ít hoa hoặc tịt hoa luôn. Chịu lạnh kém.
– Thiếu Bo (B) thì cây lan không hấp thụ được đủ Đạm và có thụ phấn cũng không tạo được hạt. Nụ hoa có ra cũng vàng và từ từ vàng teo đi, rụng luôn. Nếu thiếu nghiêm trọng thì bạn dùng Atonick hoặc kích kei Pro,Spay, hay chế phẩm Thầy Hùng làm mắt ngủ nó thức dậy sau đó nó cũng chết luôn. Cái này gọi là thức dậy và đi chết!
– Thiếu Molipden (Mo) cây tự nhiên lá vàng và đứng ngọn vì hấp thụ lân và đạm kém. Rụng nụ. Sau những trận mưa axit thì lan rất hay bị thiếu Mo.
– Thiếu Clo (Cl) thì cây hấp thu Canxi, Magie, Kali kém. Bên cạnh đó cây sẽ thoát hơi nước mất kiểm soát cân đối, sinh ra thân giả hành và lá héo và nhăn nheo.
Bên trên là vài gạch đầu dòng mà tôi đúc kết ra từ vườn của tôi và tài liệu khoa học đáng tin cậy. Mỗi chất đều có vai trò nhiệm vụ quan trọng riêng, chúng liên kết móc nối với nhau nên đôi lúc thiếu 1 chất sẽ dẫn tới thiếu thêm 3-5 chất khác là chuyện rất bình thường. Vì thế bạn đừng thắc mắc tại sao bạn gắn tan chậm rõ nhiều mà cây không lên nổi, trong khi ông hàng xóm treo đại dưới tán cây thì lan lên ầm ầm.
Các nguyên tắc dùng phân và dùng cái gì thì bài 6 – PHÂN CHO LAN tôi đã nói kỹ và có hình ảnh rất rõ ràng rồi.
4. TƯỚI LAN
Tưới sai cách thì lan chết hoặc héo là chuyện thường gặp. Bài 13 – KIỂM SOÁT ĐỘ ẨM – CÁCH TƯỚI tôi đã nói rất chi tiết. Bạn kéo lại đọc nhé.
Tôi chỉ lấy vài ví dụ cụ thể như này: Nếu bạn tưới quá muộn, giả sử 22h CẦM VÒI tưới lan, nước đọng trên kẽ lá, đầu ngọn gây thối ngọn. Hoặc 12-15h tưới vào mùa hè thì không khác gì luộc lan, sau khi tưới ngọn sẽ chuyển màu như luộc rau muống mà đậy vung (nắp).
Giò lan, chậu lan lúc nào cũn pg ướt thì chắc chắn thất bại. Bạnhải tuân thủ quy tắc Ướt – Khô – Ướt – Khô. Khô ít nhất 2 tiếng 1 ngày và không khô quá 1 ngày (tôi đang nói về điều kiện tốt nhất cho lan, còn bạn cho em nó khô 1 tuần cũng được, em nó không chết đâu, chỉ là lay lắt thôi).
Nếu chỉ có vài trăm giò, thì đừng bao giờ gắn phun sương hay tưới tự động nhé! Vừa tốn tiền mà vừa chuốc họa vào mình. Bạn sẽ không thể kiểm soát tốt độ ẩm từng giò, không thể cắt nước…
14222291_728422683977886_3464114915810894375_n14138673_728422717311216_5889016238103745075_o
5. GIÁ THỂ
Bài 7 và 12 tôi đã phân tích kỹ về ưu nhược và cách xử lý từng loại giá thể rồi. Chỉ lưu ý bạn là TUYỆT ĐỐI KHÔNG NÊN CHỦ QUAN mà KHÔNG XỬ LÝ GIÁ THỂ trước khi ghép lan.
Xử lý giá thể quyết định thành bại của giò lan đó bạn ạ. Nếu bạn không muốn bị cỏ dại, sên nhớt, nấm khuẩn, nấm trắng ký sinh… tấn công cây lan thì phải xử lý kỹ. Tốt nhất vẫn là ngâm Physan hoặc LUỘC chín trong 15 phút.
Có nhiều bạn nhắn tin hỏi tôi sao lan nhà bạn rễ bị chùn, teo, héo đầu rễ và rễ. Lý do vì giá thể quá bẩn (dơ), quá chát chua… Bên cạnh đó cỏ dại, rong rêu địa y và thậm chí cả cây rừng mọc tùm lum trong chậu lan, chèn và hút hết chỗ và chất của cây lan.
Đối với lan, bạn ghép vào cái gì không cần biết, nhưng yêu cầu bắt buộc là phải THOÁNG. Thoáng rễ, thoáng đáy chậu. Phải thoát nước. Vì thế có đôi khi chậu nhựa bạn phải đục thêm lỗ.
Có 1 vấn đề nói thêm ngoài lề, đó là tôi thấy nhiều bạn mua hàng mô trong chậu nhỏ xíu về (đường kính chậu 4-5cm), cứ để nguyên cả cục dớn trắng Chi Lê ướt nhách rồi cho vào chậu lớn hơn, nhét than hoặc dớn sợi xung quanh, ngày tưới 1 lần. Sau 1 tuần lan héo và nhăn nheo, kiểm tra ra mới thấy bộ rễ đã mềm nhũn và biến ủng vàng (không còn trắng tinh), nói chung là hỏng toàn bộ hệ thống rễ.
Giá thể đó giữ nước quá nhiều, rễ bị thiếu oxi mà chết chứ không nấm khuẩn gì đâu bạn ạ.
Một là khi mới trồng chậu mới, bạn gỡ nhẹ nhàng gần như toàn bộ dớn trắng ra và trồng, GIỮ LẠI RỄ CÒN HOẠT ĐỘNG. Hai là bạn phải xem giá thể khô chưa mới tưới nhé. Có khi 1 tuần mới phải tưới 1 lần đó. Tuy nhiên tôi khẳng định rằng nếu bạn không che nilon mà mưa kiểu thối đất thối cát như ngoài Bắc hay miền Trung thì lan của bạn CHẮC CHẮN CHẾT.
6. ĐẶC TÍNH SINH HỌC GIỐNG LAN
Tùy mỗi loài lan mà ta có chế độ chăm sóc khác nhau. Nếu cho chúng vào điều kiện không thuận lợi, thì nhất định chúng sẽ kém phát triển hoặc bệnh tật thôi. Vì thế khi mua lan về, bạn phải tìm hiểu xem em nó:
– Ăn nắng bao nhiêu phần trăm %.
– Nên sống khô hay thích ướt.
– Nên che nilon hay không che.
– Nên bón nhiều hay bón ít.
– Thích mát hay thích nóng.
– Thích gió nhiều hay đứng gió.
…. Có như vậy bạn mới có thể chơi lan BỀN VỮNG được.
7. XỬ LÝ LAN BỆNH và CÁC LOẠI THUỐC CHO LAN từ A-Z
DẤU HIỆU ĐOÁN BỆNH
Đáng ra tôi nên viết bài này từ lâu, nhưng do mất quá nhiều thời gian mò mẫm, tổng hợp nên giờ mới viết được.
Phòng bệnh tốt thì không cần chữa bệnh các bạn ạ. Với 6 mục trên, ngày mai các bạn nên chỉnh sửa và áp dụng liền đi. Riêng mục 7 chắc chắn sẽ dài bằng 6 mục này, tôi cần vài ngày nữa để chuẩn bị hình ảnh. Bài này thì không có hình gì đâu, vì hình nằm hết trong các bài trước rồi.
Nhớ lan truyền KIẾN THỨC bằng cách CHIA SẺ nhé!
Nguyễn Ngọc Hà – Đức Trọng, Lâm Đồng.
 [/tintuc]

0 nhận xét trên - Bài 27: Phòng bệnh cho lan – Nguyễn Ngọc Hà